Tin tức ngành

Dấu ấn 5 năm chi hội Nhựa tái sinh

  • 12/04/2023

Hàng trăm doanh nghiệp “khóc” với Chính phủ vì nỗi lo thiếu nguyên liệu sản xuất

Giai đoạn cuối năm 2018, đầu năm 2019, có đến hơn 24 nghìn container phế liệu bị tồn đọng tại các cảng biển đang chờ được thông quan. Bất cập, chồng chéo trong thủ tục hành chính khiến các cảng biển có nguy cơ trở thành bãi rác, hàng trăm doanh nghiệp “khóc” với Chính phủ vì nỗi lo thiếu nguyên liệu sản xuất, nỗi lo chẳng thể giúp anh em công nhân, nhân viên có một cái tết ấm no. 

Cùng thời điểm đó, Chi hội Nhựa tái sinh trực thuộc Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) được thành lập. Ra đời với mục đích hỗ trợ xây dựng lại ngành công nghiệp tái chế, Chi hội Nhựa tái sinh, dưới sự điều hành của Chủ tịch chi hội Hoàng Đức Vượng và Chủ tịch Hiệp hội Hồ Đức Lam, đã nhanh chóng kiến nghị với Chính phủ tìm kiếm phương án “giải cứu” những container phế liệu tồn đọng để tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất cho doanh nghiệp tái chế. 

Từ đó đến nay, gần 5 năm trôi qua, Chi hội Nhựa tái sinh ngày càng lớn mạnh, trở thành đầu mối một mặt quy tụ các doanh nghiệp, đơn vị trong hệ sinh thái tái chế, xây dựng ngành tái chế hiện đại, mặt khác đại diện cho ngành tái chế nêu cao tiếng nói, xóa bỏ định kiến đối với tái chế, đề xuất chính sách khuyến khích, thúc đẩy ngành tái chế cũng như kinh tế tuần hoàn.  

Chủ tịch VPA Hồ Đức Lam: "Thời điểm vàng cho nhựa tái sinh" 

Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam Hồ Đức Lam
Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp tái chế, ông Lam cho biết, năm 2022, doanh thu của hơn 3 nghìn thành viên VPA đạt khoảng 25 nghìn tỷ USD, tăng trưởng khoảng 5,7%, là mức tăng thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Trước đây, ngành nhựa thường duy trì mức tăng trưởng trên 2 con số.
Dự kiến, với những biến động khó lường của nền kinh tế toàn cầu, khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây trong ít nhất là hết năm 2023. Tuy nhiên, ông Lam vẫn tỏ ra lạc quan đối với ngành nhựa bởi sự phát triển của hơn 500 thành viên Chi hội Nhựa tái sinh.  

Dấu ấn 5 năm chi hội Nhựa tái sinh  

“Trong giai đoạn khó khăn, ngành tái chế nhựa phát triển là “điểm vàng” bởi tái chế giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh là điều hết sức quan trọng”, Chủ tịch VPA khẳng định.

Đặc biệt, theo ông Lam, trong thời gian vừa qua, Nghị định 08/2022/NĐ-CP được ban hành với quy định về công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), một công cụ tiên tiến giúp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cũng như ngành công nghiệp tái chế mà Việt Nam là quốc gia tiên phong áp dụng trong khu vực ASEAN.

Cùng với đó, những khoản đầu tư chất lượng đang dần được rót vào ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam, điển hình như nhà máy tái chế tiên tiến trị giá 50 triệu USD hợp tác giữa VietCycle và Tập đoàn Alba châu Á.

Đây là tín hiệu tốt để doanh nghiệp “đi tắt đón đầu”, đạt được sự bài bản trong đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường vốn có tỷ suất đầu tư rất lớn. Với tiền đề là chính sách tốt, cơ hội thị trường rộng mở, ông Lam kỳ vọng doanh nghiệp tái chế sẽ tích cực, chủ động tìm kiếm thêm nhiều đối tác nước ngoài chất lượng cao, từng bước nâng tầm ngành công nghiệp đã từng èo uột, manh mún suốt hơn 40 năm. 

“Còn nhiều bước để tận dụng các cơ hội, tuy nhiên, với sự hiểu biết, sự quyết tâm của Chi hội Nhựa tái sinh, chúng ta nhất định sẽ thành công”, Chủ tịch VPA nhấn mạnh. 

Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Hoàng Đức Vượng: "EPR chắc chắn sẽ thực hiện được tại Việt Nam"!  

Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Hoàng Đức Vượng.
Đồng hành với Bộ Tài nguyên và môi trường để xây dựng chính sách về EPR từ năm 2018, ông Vượng cho biết, ngay từ khi bắt đầu khởi động cho đến tận hiện tại, nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng thực thi của công cụ chính sách này.

Tuy nhiên, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp tái chế, ông Vượng khẳng định, với định hướng đúng đắn của Nhà nước, với sự ủng hộ của các nhãn hàng, công cụ EPR chắc chắn sẽ thực hiện được, từ đó đem lại cơ hội lớn cho ngành công nghiệp tái chế.

Dấu ấn 5 năm chi hội Nhựa tái sinh

Cụ thể, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh cho biết, dưới sự kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 1 nghìn tỷ lên 3 nghìn tỷ đồng, trong bối cảnh dòng tiền bị thắt chặt bởi tác động của Covid-19. Doanh nghiệp ngành tái chế nói riêng và doanh nghiệp thực hiện các dự án bảo vệ môi trường nói chung được tạo điều kiện vay vốn lên đến 26 tỷ/dự án, với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 2,6 – 3,8% mỗi năm.

Ngành công nghiệp tái chế từ trước đến nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thậm chí một số đơn vị không đảm bảo các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường, gây ra ô nhiễm thứ cấp. Tuy nhiên, ông Vượng kỳ vọng, với dòng tài chính từ công cụ EPR, doanh nghiệp tái chế sẽ được tiếp thêm nguồn lực để đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại. Mặt khác, chỉ có doanh nghiệp tái chế theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn mới nhận được tiền hỗ trợ.

Dòng tiền từ EPR cũng sẽ tạo ra động lực để doanh nghiệp, nhãn hàng và nhà tái chế cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc với nhau, tìm ra phương án giúp cho sản phẩm, bao bì được thiết kế dễ thu gom, tái chế nhất, vừa giảm bớt gánh nặng cho nhà tái chế, vừa có ý nghĩa lớn đối với môi trường và xã hội.

Cơ hội đặt ra trước mắt, ông Vượng nhấn mạnh, doanh nghiệp tái chế cần phải chủ động nắm bắt lấy cơ hội, cùng hợp sức với các nhãn hàng và với Bộ Tài nguyên và môi trường trong việc kiện toàn công cụ EPR, đặc biệt là về vấn đề chi phí tái chế (Fs).

“Chúng ta cùng hợp sức để xây dựng mức chi phí tái chế sao cho hài hòa nhất với điều kiện của nền kinh tế, hài hòa giữa nhà tái chế với nhãn hàng, tái chế cho ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường”, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh nhắn gửi.  

Ông Đỗ Hữu Huỳnh, Phó chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh phụ trách khu vực miền Bắc: "Đóng góp tiếng nói xây dựng chính sách kinh tế tuần hoàn" 

Ông Đỗ Hữu Huỳnh, Phó chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh phụ trách khu vực miền Bắc 
Thực hiện sứ mệnh đồng hành, hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế và mô hình kinh tế tuần hoàn, thời gian qua, Chi hội Nhựa tái sinh đã tích cực nêu cao tiếng nói, một mặt chia sẻ những câu chuyện nghề, gỡ bỏ định kiến cho ngành công nghiệp tái chế, mặt khác đóng góp ý kiến xây dựng khung chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Đối với ngành công nghiệp tái chế, Chi hội Nhựa tái sinh đã kiến nghị về việc đưa ngành công nghiệp tái chế thành công nghiệp ưu tiên, đã Ban Kinh tế trung ương tiếp thu, đưa vào Nghị quyết số 29/2022/NQ-TW về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bên cạnh đó, kiến nghị về quy định ưu đãi thuế, phí, mua sắm chính phủ, dán nhãn sinh thái cho những sản phẩm làm từ vật liệu tái sinh. Đồng thời hỗ trợ tư vấn chính sách cho doanh nghiệp tái chế được vay vốn xanh, phát hành trái phiếu xanh và nhận hỗ trợ lãi suất từ phía ngân hàng. 

Dấu ấn 5 năm chi hội Nhựa tái sinh  

Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu, Chi hội Nhựa tái sinh tích cực tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến sửa đổi Nghị quyết 73/2014/QĐ-TTg về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài về làm nguyên liệu sản xuất. Nhờ đó, doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu được gia hạn giấy phép lần 2 đến hết năm 2022, nâng thời hạn giấy phép nhập khẩu phế liệu từ 3 lên 7 năm.

Đối với mô hình kinh tế tuần hoàn, Chi hội Nhựa tái sinh là một trong những đơn vị tích cực đóng góp ý kiến xây dựng Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định hướng dẫn luật, đặc biệt trong 2 nội dung, bao gồm công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và quy định phân loại rác thải tại nguồn bắt buộc.

Bên cạnh việc đóng góp kiến nghị chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế hướng tới kinh tế tuần hoàn, Chi hội cũng đồng hành cùng cộng đồng và xã hội thông qua nhiều cuộc hội thảo, sự kiện quảng bá về kinh tế tuần hoàn, tham gia tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho báo chí về công tác quản lý chất thải.

Ông Huỳnh cho biết, thông qua những hoạt động đó, uy tín của Chi hội ngày càng được nâng cao, giúp thay đổi nhận thức về ngành công nghiệp tái ché. Mặt khác, Chi hội và các thành viên cũng có thêm nhiều cơ hội tích cực tham gia công cuộc bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn theo chủ trương của Nhà nước trong bối cảnh mới.  

Ông Nguyễn Thành Hoa, Phó chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh phụ trách khu vực miền Nam: "Tăng thêm sức mạnh, nâng cao tầm nhìn, nắm bắt cơ hội"!  

Ông Nguyễn Thành Hoa, Phó chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh phụ trách khu vực miền Nam
Từ khi thành lập cho đến nay, Chi hội Nhựa tái sinh đã có 518 thành viên, bao gồm chính thức và chưa chính thức. Ông Hoa cho biết, các cá nhân, doanh nghiệp trực thuộc Chi hội thường xuyên có những buổi gặp gỡ, trao đổi để cập nhật chính sách, thông tin chung của ngành, từ đó hoạch định ra những bước đi phù hợp với tiến trình phát triển.
Hiện nay, mô hình kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế, được Nhà nước xác định là hướng đi mới của nền kinh tế. Cùng với sự thay đổi tư duy từ các cấp lãnh đạo, ông Hoa cho biết, đây là thời điểm để Chi hội Nhựa tái sinh tiếp tục mở rộng nhằm tăng thêm sức mạnh và trí tuệ, nâng cao tầm nhìn, nắm bắt cơ hội xây dựng ngành công nghiệp tái chế tiên tiến, hiện đại. 

Dấu ấn 5 năm chi hội Nhựa tái sinh

Với mục tiêu đó, Ban chấp hành Chi hội Nhựa tái sinh đã xây dựng định hướng phát triển, xây dựng dự thảo quy chế hoạt động với các phòng ban bao gồm Ban chấp hành; Ban nghiệp vụ; Ban kiểm soát; Ban tài chính; Ban kỹ thuật và chuyển giao công nghệ; Ban đối ngoại và hợp tác quốc tế; Ban truyền thông và tổ chức sự kiện; Văn phòng Chi hội.

Ông Hoa đề nghị các doanh nghiệp trong hệ sinh thái tái chế ở các lĩnh vực từ thu gom, nhập khẩu cho đến sản xuất, thiết bị, hóa chất, đào tạo nhân lực… tự nguyện xin gia nhập Chi hội theo quy chế mới, đồng thời giới thiệu những hội viên đủ đức, đủ tài tham gia vào Ban chấp hành Chi hội trên nguyên tắc xây dựng Chi hội mạnh về tổ chức, hiệu quả về hoạt động.  

                                                                                                                                                         Nguồn: Hiệp hội nhựa Việt Nam 

 

 

Xem thêm