Theo Công ty Chứng khoán FPTS, trong năm 2023, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc với lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2023 đạt gần 1.179 tỷ đồng, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước và biên lợi nhuận gộp liên tục mở rộng, trung bình 9 tháng năm 2023 đạt 35,0%, tăng 9,5 đpt so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do giá bán tiếp tục duy trì mức cao kể từ sau giai đoạn liên tục tăng mạnh vào năm 2021 và giá hạt nhựa sụt giảm mạnh.
Đối với giá bán ống nhựa, FPTS cho rằng, mặc dù nhu cầu tiêu thụ ảm đạm, giá bán niêm yết của các doanh nghiệp không đổi trong năm 2023, ước tính giá bán trung bình 9 tháng năm 2023 đạt xấp xỉ 56 triệu đồng/tấn, giảm nhẹ 2-3% so với cùng kỳ vì NTP đã giảm 10% giá bán uPVC vào quý III/2022 khiến giá bán trung bình 9 tháng năm 2023 thấp hơn cùng kỳ và các doanh nghiệp đã áp dụng một số chương trình khuyến mãi trong thời gian ngắn để kích cầu khiến giá bán trung bình giảm nhẹ.
Trong khi giá đầu ra chỉ giảm nhẹ, giá các loại hạt nhựa đầu vào như PVC, HDPE, PP của 9 tháng năm 2023 lại sụt giảm mạnh 16-32%. Trong đó, giá PVC (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí sản xuất nhựa xây dựng) có mức giảm mạnh nhất 31,6% so với cùng kỳ, trung bình đạt 861 USD/tấn.
Theo FPTS, biên lợi nhuận gộp ngành năm 2024 sẽ giảm 4,3 đpt so với mức đỉnh của năm 2023, tuy nhiên, vẫn đạt mức cao gần 30,8% do 2 nguyên nhân: Thứ nhất, khi nhu cầu phục hồi, các doanh nghiệp lớn đang duy trì mức giá bán cao, điển hình như BMP sẽ chịu áp lực giảm giá bán; Thứ hai, giá hạt nhựa đang ở mức rất thấp, kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2024 khi nhu cầu trên thế giới dần cải thiện.
Cụ thể hơn, Công ty Chứng khoán này dự phóng, giá bán ống nhựa trung bình năm 2024 sẽ sụt giảm 3,5% so với mức cao của 2023 để duy trì năng lực cạnh tranh, vì khi nhu cầu cho ống nhựa phục hồi, trong tình trạng ngành đang dư cung, việc duy trì mức giá bán cao trong thời gian dài có thể làm BMP mất thị phần. Hiện nay giá bán ống nhựa trung bình đang ở mức 56 triệu đồng/tấn, cao hơn gần 24% so với giai đoạn trước năm 2021 dù nhu cầu tiêu thụ ảm đạm.
Trong khi NTP đã giảm giá bán uPVC 10% trong quý III/2022, BMP vẫn giữ nguyên mức giá bán cao. FPTS cho rằng, BMP có khả năng duy trì mức giá bán cao như hiện nay vì doanh nghiệp có vị thế vững chắc tại miền Nam và hệ thống phân phối lớn sẵn có, nên việc cạnh tranh giành thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ lẻ khác ở miền Nam chưa xảy ra rõ ràng trong ngắn hạn.
Đối với giá hạt nhựa, FPTS kỳ vọng giá hạt nhựa PVC năm 2024 sẽ dần phục hồi về mức xấp xỉ 900 USD/tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ, tương ứng ở vùng giá trung bình giai đoạn 2018-2020, nhưng thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2021-2022 do nhu cầu tiêu thụ hạt nhựa cải thiện hơn trên toàn cầu và kỳ vọng giá dầu Brent đạt 85 USD/thùng, tăng 3,0% so với cùng kỳ trong năm 2024F.
Công ty Chứng khoán này cũng đánh giá, nhu cầu tiêu thụ nhựa xây dựng ảm đạm trong năm 2023, với sản lượng tiêu thụ sụt giảm 10,2% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2023. Nguyên nhân chính là do tác động tiêu cực từ ngành xây dựng, đặc biệt là mảng xây dựng nhà ở (mảng tác động lớn tới nhu cầu tiêu thụ ống nhựa) chững lại từ quý IV/2022 tới nay vì những khó khăn từ nhóm khách hàng bất động sản như tình hình cấp phép nhỏ giọt và chi phí lãi vay cao.
Cho cả năm 2023, FPTS dự phóng sản lượng tiêu thụ ống nhựa sẽ sụt giảm 10,3% so với cùng kỳ, khi nhu cầu trong quý IV/2023 không có sự cải thiện rõ nét, chỉ tăng trưởng so với quý III/2023 do tính mùa vụ.
Sang năm 2024, FPTS dự phóng, sản lượng tiêu thụ sẽ khả quan hơn, tăng trưởng 8,5% so với mức nền thấp của 2023, do kỳ vọng vào sự tăng trưởng của mảng xây dựng nhà ở khi nhóm khách hàng bất động sản dần hồi phục trong năm 2024 nhờ áp lực lãi vay giảm.
“Chúng tôi cho rằng nhu cầu ống nhựa sẽ cải thiện từ quý II/2024 sau kỳ nghỉ Tết, và tăng trưởng rõ nét hơn trong nửa cuối năm 2024. Tuy nhiên, cần lưu ý mức sản lượng tiêu thụ trên chưa phục hồi hoàn toàn về mức cao của giai đoạn 2019-2020 vì triển vọng ngành BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn khi còn vướng mắc trong hệ thống pháp lý”, FPTS đánh giá.
Đồng thời, đơn vị này cũng dự phóng doanh thu thuần ngành nhựa xây dựng năm 2024 sẽ đạt 10.600 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm trước và tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt 12,5%, giảm 3,0 đpt so với cùng kỳ. Trong đó, mức tăng doanh thu thuần đạt được nhờ kỳ vọng nhu cầu từ ngành xây dựng cải thiện giúp sản lượng tiêu thụ ống nhựa cải thiện 8,5% so vớ cùng kỳ.
“Tỷ suất lợi nhuận sau thuế 2024F dự kiến sụt giảm so với mức cao của 2023 theo đà giảm của biên lợi nhuận gộp khi các doanh nghiệp lớn đang chịu áp lực giảm giá bán để duy trì năng lực cạnh tranh và dự phóng giá hạt nhựa đầu vào phục hồi”, FPTS nhận định.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn